Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Hệ số chuyển đổi thức ăn

NGHIÊN CỨU KHẨU PHẦN THỨC ĂN THÍCH HỢP CHO
CÁ LĂNG NHA (Mystus wyckioides Chaux và Fang, 1949)
Ngô Văn Ngọc, Lê Thị Bình và Nguyễn Như Trí (Đại Học Nông Lâm Tp. HCM)
Điện thoại: 0908033075                E. mail: nvngoc@hcmuaf.edu.vn
TÓM TẮT
Đề tài được thực hiện trong ba tháng (3/9/2008 – 26/11/2008) tại Trại Thực Nghiệm Thủy Sản, Trường Đại Học Nông Lâm Tp. HCM. Đối tượng nghiên cứu là cá lăng nha có chiều dài và trọng lượng trung bình lần lượt là 5,17cm và 1,9g.
Thí nghiệm (TN) được thực hiện trong hệ thống nước tuần hoàn khép kín gồm 20 bể composite có dung tích 200 lít/bể (kể cả 5 bể nuôi dự trữ để bổ sung cá hao hụt trong thời gian đầu thí nghiệm). Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức (NT) theo loại thức ăn:
          NTĐC: 100% cá tạp xay nhuyễn + 0% thức ăn viên
          NT I: 75% cá tạp xay nhuyễn + 25% thức ăn viên
          NT II: 50% cá tạp xay nhuyễn + 50% thức ăn viên
          NT III: 25% cá tạp xay nhuyễn + 75% thức ăn viên
          NTIV: 0% cá tạp xay nhuyễn + 100% thức ăn viên
Mỗi NT được lặp lại 3 lần (tương ứng với ba lô) và được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với một yếu tố về thức ăn. Mật độ cá thí nghiệm là 60 con/lô.
Kết quả nghiên cứu trong 12 tuần cho thấy:
- Sự tăng trọng và tăng chiều dài của cá NT I là cao nhất (lần lượt là 26,39 ± 0,42g và 12,2 ±  0,3cm) và thấp nhất là cá của NT IV (12,03 ± 0,48g và 9,7 ± 0,1cm);
- Cá lăng nha có sức sống rất cao, tỷ lệ sống của cá ở 5 NT đều đạt trên 90%;
- Hệ số chuyển đổi thức ăn của cá NT I là thấp nhất (1,05 ± 0,03) và cao nhất là cá của NT IV (1,81 ± 0,13).
ĐẶT VẤN ĐỀ
            Cá lăng nha là một loài cá bản địa, ngoài tự nhiện chúng hiện diện ở các thủy vực nước ngọt ở miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vì đây là loài cá quí hiếm, thịt ngon, giá cao nên việc lạm thác loài cá này ngày càng cao cũng như môi trường sống của chúng có sự biến đổi nên sản lượng cá thịt và cá giống tự nhiên ngày một suy giảm và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng [1]. Với sự thành công của việc nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo cá lăng nha của Trường Đại Học Nông Lâm Tp. HCM năm 2005 và việc ứng dụng tốt kết quả nghiên cứu này tại Trại Thực Nghiệm Thủy Sản, Trường Đại Học Nông Lâm Tp. HCM và Trại Giống Thủy Sản Bình Thạnh, Trung Tâm Khuyến Ngư & Giống Thủy Sản An Giang, những năm gần đây con giống nhân tạo đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cho nghề nuôi cá lăng nha thương phẩm tại các tỉnh miền Đông nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do thời gian nuôi thương phẩm cá lăng nha khá dài (tính từ cá cỡ 1.000 con/kg thì nuôi ít nhất 1 năm, trọng lượng trung bình 1kg/con) nên đây là một hạn chế không nhỏ đến lợi nhuận của vụ nuôi. Do đó, để nghề nuôi thương phẩm loài cá này phát triển sâu và rộng, vấn đề rút ngắn thời gian nuôi và giảm hệ số thức ăn cần được quan tâm nghiên cứu đúng mức.
Trước yêu cầu cấp thiết đó, đề tài “Nghiên cứu xác định khẩu phần thức ăn thích hợp cho cá lăng nha”. Đề tài được thực hiện với mục tiêu chính là xác định khẩu phần thức ăn thích hợp cho sự tăng trưởng và sự sống của cá lăng nha để làm cơ sở cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào nuôi thương phẩm loài cá này.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đề tài được thực hiện trong ba tháng (3/9/2008 – 26/11/2008) tại Trại Thực Nghiệm Thủy Sản, Trường Đại Học Nông Lâm Tp. HCM. Đối tượng nghiên cứu là cá lăng nha có chiều dài và trọng lượng trung bình lần lượt là 5,17cm và 1,9g.
            Nguyên vật liệu và trang thiết bị chính dùng trong nghiên cứu gồm:
-         Nhiệt kế, máy đo DO, máy đo pH và NH4+/NH3 test, ống sưởi;
-         Các chất bổ sung dinh dưỡng cho cá thí nghiệm, máy xay trộn thức ăn;
-         Bể lọc sinh học (Hình 1.1) và hệ thống tuần hoàn nước (Hình 1.2).
Thí nghiệm (TN) được thực hiện trong hệ thống nước tuần hoàn khép kín gồm 20 bể composite có dung tích 200 lít/bể (kể cả 5 bể nuôi dự trữ để bổ sung cá hao hụt trong thời gian đầu thí nghiệm). Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức (NT) theo loại thức ăn:
          NTĐC: 100% cá tạp xay nhuyễn + 0% thức ăn viên
          NT I: 75% cá tạp xay nhuyễn + 25% thức ăn viên
          NT II: 50% cá tạp xay nhuyễn + 50% thức ăn viên
          NT III: 25% cá tạp xay nhuyễn + 75% thức ăn viên
          NTIV: 0% cá tạp xay nhuyễn + 100% thức ăn viên
Mỗi NT được lặp lại 3 lần (tương ứng với ba lô) và được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với một yếu tố về thức ăn. Mỗi bể composite (lô TN) được bố trí 60 cá giống có chiều dài và trọng lượng trung bình lần lượt là 5,17cm và 1,9g.
         
                     Hình 1.1 Bể lọc sinh học                        Hình 1.2 Hệ thống tuần hoàn nước
         
              Hình 1.3 Máy xay trộn thức ăn                 Hình 1.4 Bổ sung chất bổ vào thức ăn
Cá tạp sử dụng trong thí nghiệm là cá biển tươi. Thức ăn viên Greenfeed được sử dụng có hàm lượng đạm 32%. Thức ăn của từng NT được xay nhuyễn và trộn đều bằng máy trộn (Hình 1.3). Sau đó, thức ăn của các NT được bổ sung các loại thuốc bổ như nhau, bao gồm men tiêu hóa (5g/kg thức ăn)premix vitamin và khoáng (5g/kg thức ăn cho mỗi loại)vitamin C (200mg/kg thức ăn), thuốc bổ gan (5mL/kg thức ăn) nhằm tăng cường sức đề kháng và tăng khả năng hấp thu dưỡng chất của cá thí nghiệm. Sau khi pha chế theo tỷ lệ như trên, thức ăn của các NT được trộn đều, pha thêm lượng nước vừa đủ, xay nhuyễn, trộn đều và vo viên rồi bảo quản trong tủ lạnh để cho cá ăn dần (Hình 1.4).
Cá thí nghiệm được cho ăn một ngày ba lần với khẩu phần khoảng 10% trọng lượng. Tuy nhiên, khẩu phần ăn sẽ được điều chỉnh theo sức ăn của cá theo nguyên tắc là bảo đảm cá ở tất cả các NT đều ăn no. Lượng thức ăn sử dụng hằng ngày được ghi chép cẩn thận vào sổ nhật ký và được lưu giữ vào phần mềm Excel. Thức ăn dư thừa ở các lô (nếu có) được thu hồi rồi sấy khô nhằm xác định hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá ở các NT sau khi kết thúc thí nghiệm.
Các chỉ tiêu cần phân tích, theo dõi trong quá trình thí nghiệm Giai đoạn I gồm:
-         Mẫu thức ăn của các NT sau khi chế biến xong được gởi đến Bộ môn Dinh Dưỡng, Khoa Chăn Nuôi Thú Y, Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM để phân tích hàm lượng vật chất khô, protein, chất béo, chất xơ và khoáng.
-         Các yếu tố chất lượng nước như nhiệt độ, pH và DO được đo hằng ngày vào buổi sáng và buổi chiều trước lúc cho ăn. Hàm lượng NH3tổng số, nitrite được đo 2 ngày/lần bằng các test kit.
-         Chỉ tiêu tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng của cá ở các lô của 5 NT được xác định 1 tháng/lần, mỗi lần cân đo ngẫu nhiên 30 con/lô:
Các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, FCR sẽ được phân tích ANOVA và sử dụng trắc nghiệm LSD để tìm ra sự khác biệt có hay không có ý nghĩa về mặt thống kê (P<0,05) giữa các NT.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Thành phần dưỡng chất của thức ăn thí nghiệm
            Qua kết quả phân tích dưỡng chất trong thức ăn thí nghiệm (Bảng 1.1) và qui đổi ra 100% vật chất khô (Bảng 1.2), chúng tôi nhận thấy hàm lượng protein tăng dần theo NT; trong đó hàm lượng protein cao nhất thuộc về NTĐC và thấp nhất là thức ăn của NT IV (Bảng1.2). Bên cạnh đó, hàm lượng chất béo cũng tăng dần từ thức ăn của NTĐC đến thức ăn của NT IV. Ngược lại, hàm lượng chất xơ và khoáng tổng số trong thức ăn thì giảm theo thứ tự từ NTĐC đến NT IV.
Bảng 1.1 Kết quả phân tích thức ăn của các nghiệm thức thí nghiệm
Nghiệm thức
Vật chất khô (%)
Protein (%)
Béo (%)
Xơ (%)
Khoáng (%)
ĐC
24,97
17,43
3,56
0,42
3,50
I
38,56
19,55
6,24
1,72
4,84
II
48,98
20,75
4,43
3,03
5,86
III
49,41
18,94
2,76
3,37
5,74
IV
53,01
19,43
2,45
3,57
6,03

Bảng 1.2 Thành phần dưỡng chất trong thức ăn thí nghiệm (Theo 100% vật chất khô)
Nghiệm thức
Protein (%)
Béo (%)
Xơ (%)
Khoáng (%)
ĐC
69,80
14,26
1,66
14,02
I
50,69
16,18
4,46
12,54
II
42,36
9,04
6,19
11,95
III
38,32
5,59
6,82
11,62
IV
36,66
4,61
6,73
11,37

            Như vậy, qua việc phối trộn và phân tích dưỡng chất trong thức ăn, chúng tôi có thể đưa ra nhận định sơ bộ là tất cả thức ăn của 5 NT đều phù hợp cho nhu cầu phát triển của cá lăng nha, là loài cá có nhu cầu protein cao, vì hàm lượng protein chứa trong thức ăn của từng NT đều ở mức cao (từ 36,66 đến 69,80%).
Chất lượng nước trong hệ thống tuần hoàn
Sự tăng trưởng của cá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống loài, thức ăn, , chất lượng nước, chất lượng giống, thời tiết,… Trong đó, các yếu tố chất lượng nước là quan trọng hàng đầu, quyết định đến sức sống và sức tăng trưởng của cá.
Bảng 1.3 Các thông số chất lượng nước trong hệ thống tuần hoàn khép kín
Thông số
Giá trị trung bình
Nhiệt độ (oC)
28,3 ± 0,4
pH
6,9 ± 0,3
DO (mg/L)
6,9 ± 0,3
Ammonia tổng số (mg/L)
1,12 ± 0,68
Nitrite (mg/L)
0,19 ± 0,11

Nhìn chung, trong suốt thời gian thí nghiệm, giá trị của các yếu tố chất lượng nước đều nằm trong giới hạn thích hợp cho sự phát triển của các loài cá nói chung, cá lăng nha nói riêng. Tuy nhiên, vào khoảng hai tuần cuối của thí nghiệm, hàm lượng NH3 tổng số và NO2- hơi tăng cao hơn so với khoảng thời gian đầu của thí nghiệm. Điều này do cá thí nghiệm ngày càng lớn, ăn và hoạt động nhiều nên lượng chất thải của cá sản sinh ra nhiều hơn. Vì vậy, vào khoảng thời gian này, chúng tôi đã tiến hành thay nước trong hệ thống tuần hoàn nhiều hơn và để duy trì pH ở giá trị gần bằng 7,0 chúng tôi sử dụng NaHCO3 nhằm hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố chất lượng nước lên sự sống và sự tăng trưởng cá thí nghiệm.
Sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá ở các nghiệm thức
            Tăng trưởng là một quá trình sinh học diễn ra liên tục trong cơ thể động vật, nhờ quá trình này mà cá lớn lên về chiều dài và trọng lượng cơ thể. Hay nói cách khác, tăng trưởng của cá là sự gia tăng về kích thước và trọng lượng cơ thể theo thời gian thông quá quá trình biến dưỡng trong cơ thể. Kết quả tăng trưởng ở các NT sau khi kết thúc thí nghiệm (12 tuần) được tổng hợp và trình bày qua Bảng 1.4.
Bảng 1.4 Trọng lượng, chiều dài và tỷ lệ sống trung bình của cá sau 12 tuần thí nghiệm
Nghiệm thức
Trọng lượng tb (g)
Chiều dài tb (cm)
Tỷ lệ sống (%)
ĐC
22,43 b ± 3,15
11,5 b ±  0,3
92,2 a ± 5,1
I
26,39 a ± 0,42
12,2 a ±  0,3
95,0 a ± 1,7
II
21,98 b ± 1,43
11,4 b ±  0,2
95,0 a ± 2,9
III
15,88 c ± 0,99
10,4 c ±  0,3
95,5 a ± 2,5
IV
12,03 d ± 0,48
9,7 d ±  0,1
95,0 a ± 2,9
Ghi chú: Các giá trị cùng cột có cùng chữ số khác nhau không ý nghĩa (P>0,05)
Qua Bảng 1.4, chúng tôi nhận thấy trọng lượng trung bình của cá lăng nha ở các NT khác nhau có ý nghĩa về mặt thống kê (P<0,05). Trọng lượng trung bình của NT I (75% cá tạp xay nhuyễn + 25 thức ăn viên) là lớn nhất (26,39 ± 0,42g), khác nhau có ý nghĩa thống kê so với các NT còn lại (P<0,05). Trọng lượng trung bình của cá NTĐC (100% cá tạp xay nhuyễn) và NT II (50% cá tạp xay nhuyễn + 50% thức ăn viên) sai khác không có ý nghĩa về mặt thống kê (P>0,05). Tuy nhiên, trọng lượng trung bình của 2 NT này lớn hơn một cách có ý nghĩa về thống kê so với trọng lượng trung bình của cá ở NT III (25% cá tạp xay nhuyễn + 75% thức ăn viên) và NT IV (100% thức ăn viên). Trong tất cả các NT thì trọng lượng trung bình của cá lăng nha ở NT IV đạt giá trị thấp nhất (12,03 ± 0,48g) so với các NT còn lại.
Tăng trưởng về chiều dài của cá ở các NT cũng tương tự như tăng trưởng về trọng lượng. Qua phân tích ANOVA, chúng tôi nhận thấy chiều dài trung bình của cá sau khi kết thúc thí nghiệm cũng có sự khác nhau có ý nghĩa  giữa các NT (P<0,05), trừ NTĐC và NT II khác nhau không ý nghĩa về thống kê (Bảng 1.4).
     
            Hình 2.1 Cá lúc bố trí thí nghiệm              Hình 2.2 Cá kết thúc TN (NTĐC)
     
   Hình 2.3 Cá kết thúc TN (NT I)                   Hình 2.4 Cá kết thúc TN (NT II)
    
Hình 2.5 Cá kết thúc TN (NT III)                    Hình 2.6 Cá kết thúc TN (NT IV)
Kết quả phân tích thành phân dưỡng chất chứa trong thức ăn ở các NT (Bảng 1.2) cho thấy hàm lượng protein của thức ăn NTĐC là cao nhất (69,80%) và giảm dần từ NT I đến NT IV. Ngược lại, hàm lượng chất béo cao nhất là thức ăn của NT I (16,18%), kế đến là NTĐC (14,26%) và thấp nhất là của NT IV (4,61%). Cá lăng nha là một trong các loài cá ăn động vật điển hình, thức ăn chủ yếu của chúng là các động vật tươi sống. Tuy nhiên, trong điều kiện nuôi, cá hoàn toàn có thể ăn thêm được thức ăn tự chế hoặc thức ăn viên. Dù cá hoàn toàn chấp nhận các laọi thức ăn này nhưng để cá tăng trưởng tốt, lớn nhanh  thì trong thức ăn cho chúng cần bổ sung nguồn đạm động vật tươi sống [3].
Ở NTĐC, thức ăn có hàm lượng protein (69,80%) cao hơn so với NT I (50,69%) nhưng cá lại tăng trưởng chậm hơn. Theo chúng tôi, kết quả này có thể do trong thức ăn của NT I chứa hàm lượng chất béo và chất xơ (theo thứ tự là 16,18 và 4,46%) cao hơn của NTĐC (14,26 và 1,66%) nên đã có sự cân bằng hợp lý hơn giữa protein, chất béo và chất bột đường trong thức ăn của NT I. Từ đó, dẫn đến kết quả là cá NT I hấp thu dưỡng chất tốt hơn nên cá lớn nhanh hơn so với cá NTĐC. Trong khi đó, thức ăn ở NT IV (ăn 100% thức ăn viên), hàm lượng protein là 36,66% có thể chưa đủ nhu cầu đạm cho sự phát triển cá thể của cá. Hơn nữa, thức ăn viên không có mùi tanh của cá tươi sống nên mức độ bắt mồi của cá ở NT này cũng thấp hơn so với cá ở các NT còn lại. Từ đó, dẫn đến kết quả là cá NT IV có tốc độ tăng trưởng chậm nhất.
Tỷ lệ sống của cá lăng nha ở các NT đều trên 90% và khác biệt không có ý nghĩa về mặt thống kê (Bảng 1.4). Như vậy, cá lăng nha giống khi được cho ăn khẩu phần thức ăn bao gồm 75% cá tạp xay nhuyễn và 25% thức ăn viên (NT I) đã có sức sống tốt nhất so với các khẩu phần thức ăn còn lại. Đồng thời, qua kết quả tính toán tỷ lệ sống trung bình của 3 lô thí nghiệm trong từng NT, chúng tôi nhận thấy độ lệch chuẩn (SD) của tỷ lệ sống ở NT I là thấp nhất (± 1,7%). Điều này chứng tỏ thức ăn của NT I có chất lượng tốt nhất nên cá của 3 lô của NT này có sức sống tương đương nhau.
Như vậy, qua kết quả thu được về sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá trong 12 tuần nuôi thí nghiệm, chúng tôi có thể kết luận rằng với khẩu phần thức ăn gồm 75% cá tạp xay nhuyễn + 25% thức ăn viên (NT I) cá đã lớn nhanh và có sức sống tốt nhất so với cá của các NT còn lại, đạt kết quả thấp nhất là cá của NT IV (100% thức ăn viên).
Hệ số chuyển đổi thức ăn
Trong thực tiễn nuôi thủy sản, tốc độ tăng trưởng và hệ số chuyển đổi thức ăn là hai chỉ tiêu quan trọng nhất vì chúng ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đến hiệu quả kinh tế của một vụ nuôi. Do các khẩu phần thức ăn của các NT được tổ hợp dựa trên những tỷ lệ khác nhau về cá tạp và thức ăn viên nên hàm lượng vật chất khô và protein của chúng cũng khác nhau. Trong thức ăn cho thủy sản nói chung và cho cá nói riêng thì protein là loại dưỡng chất thuộc loại đắt nhất và chiếm tỷ lệ giá thành cao nhất trong thức ăn. Vì vậy, để dễ dàng hơn trong việc so sánh thống kê hệ số chuyển đổi thức ăn giữa các NT, chúng tôi đã tiến hành quy đổi thức ăn sang 100% vật chất khô và 100% protein. Kết quả tính toán hệ số chuyển đổi thức ăn của các NT được trình bày qua Bảng 1.5.
Bảng 1.5 Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của các NT
Nghiệm thức
FCR
(Thức ăn thô)
FCR1
(Quy ra 100% vật chất khô)
FCR2
(Quy ra 100% protein)
ĐC
6,72 ± 0,60
1,68 ±  0,15
1,17 ab ± 0,10
I
5,37 ± 0,14
2,07 ±  0,05
1,05 a ±  0,03
II
6,53 ± 0,33
3,20 ±  0,16
1,35 bc ±  0,07
III
7,32 ± 0,73
3,62 ±  0,36
1,39 c ±  0,14
IV
9,31 ± 0,67
4,93 ±  0,35
1,81 d ±  0,13
Ghi chú: Các giá trị cùng cột có cùng chữ số khác nhau không ý nghĩa (P>0,05)
Qua Bảng 1.5, chúng tôi nhận thấy FCR2 của cá lăng nha NT I là nhỏ nhất (1,05), khác nhau có ý nghĩa thống kê so với các NT còn lại (P<0,05), ngoại trừ NTĐC là 1,17 (P>0,05). FCR2 của NTĐC cũng nhỏ hơn có ý nghĩa về mặt thống kê so với NT III và NT IV. FCR2 của NT II và NT III khác nhau không có ý nghĩa về mặt thống kê (P>0,05); tuy nhiên, giá trị FCR2 của hai NT này nhỏ hơn có ý nghĩa so với FCR2 của NT IV.
Chúng tôi cũng nhận thấy, trừ NTĐC (100% cá tạp), FCR2 của cá tăng dần khi tỷ lệ thức ăn viên trong khẩu phần thức ăn tăng lên. FCR2 của NT IV (100% thức ăn viên) là lớn nhất (1,81) so với các NT còn lại. Điều này có thể cho phép chúng tôi nhận định rằng hàm lượng của các acid amin thiết yếu trong khẩu phần thức ăn của NT I là cân bằng nhất so với nhu cầu dinh dưỡng của cá lăng nha giống nên FCR2 của NT này là thấp nhất (1,05). Theo chúng tôi, khi tỷ lệ thức ăn viên trong khẩu phần thức ăn tăng dần (từ NT I đền NT IV) thì có lẽ hàm lượng của các acid amin thiết yếu trong khẩu phần thức ăn càng trở nên mất cân bằng nên dẫn đến khả năng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn của cá kém, làm cá chậm lớn và FCR tăng. Qua thí nghiệm này, chúng tôi nhận thấy việc cung cấp nguồn đạm tươi sống với một tỷ lệ hợp lý (như thức ăn của NT I) là rất quan trọng vì nó không những giúp làm giảm FCR của cá (đồng nghĩa với việc tăng hiệu quả kinh tế) mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể lượng chất thải trong quá trình nuôi; từ đó, dẫn đến chất lượng nước trong môi trường nuôi ít bị suy thoái.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
Kết luận
Sau 12 tuần thí nghiệm, chúng tôi rút ra những kết luận như sau:
- Trọng lượng và chiều dài trung bình của cá NT I (75% cá tạp xay nhuyễn + 25% thức ăn viên) là lớn nhất (lần lượt là 26,39 ± 0,42g và 12,2 ± 0,3cm);
- Tỷ lệ sống ở các NT đều trên 90%, cho thấy đây là loài cá có sức sống rất cao;
 - Giá trị của các yếu tố chất lượng nước (nhiệt độ, pH, DO, hàm lượng ammonia tổng số và nitrite) đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của cá;
- FCR2 (sau khi quy đổi ra 100% protein) của NT I là nhỏ nhất (1,05 ± 0,03) và của NT IV là lớn nhất (1,81 ± 0,13) so với các NT còn lại;
- Thức ăn gồm 75% cá tạp xay nhuyễn + 25% thức ăn viên (NT I) đã cho kết quả về tăng trưởng, tỷ lệ sống cao nhất và hệ số chuyển đổi thức ăn thấp nhất.
Đề nghị
            Sau khi kết thúc thí nghiệm, chúng tôi xin đưa ra một số đề nghị sau:
            - Áp dụng công thức thức ăn của NT I (75% cá tạp xay nhuyễn + 25% thức ăn viên) cho việc ương cá lăng nha giống và trong quá trình nuôi thương phẩm;
            - Trong thức ăn cần bổ sung một số dưỡng chất để tăng sức đề kháng và khả năng tiêu hóa của cá lăng nha như vitamin C, premix khoáng, men tiêu hóa, sorbitol,…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét